Một trong những lý do chính dẫn đến những khó khăn của sinh viên khi tham gia nghiên cứu khoa học là tính chủ động của bản thân mỗi bạn trẻ trong học tập chưa cao, vẫn còn tư tưởng thụ động. Sinh viên chỉ học bài và ôn bài khi chuẩn bị bước vào các kỳ thi, chỉ "xoay quanh" giảng đường với những bài học trên lớp, chưa chủ động nghiên cứu, tìm tòi cơ hội được học tập, nâng cao kiến thức thực tiễn. Một bộ phận không nhỏ sinh viên hiện nay thiếu sự đam mê học tập, chưa có mục tiêu phấn đấu rõ ràng và không có kế hoạch cụ thể.
Có ý kiến cho rằng, nhiều bạn sinh viên chưa trả lời được câu hỏi "học để làm gì?". Ðiều đó giống như một con thuyền trôi không rõ phương hướng, không tìm thấy đích đến của hành trình. Kết quả là có những sinh viên học tập theo kiểu đối phó, học để đáp ứng mong muốn, yêu cầu của gia đình về việc "phải có tấm bằng đại học".
Bên cạnh đó, với hình thức học tín chỉ như hiện nay, một bộ phận sinh viên tỏ ra bị động và không hiểu rõ định hướng học tập và rèn luyện trong những năm học đại học. Có người không tìm hiểu kỹ việc học những khối kiến thức, những môn học trong khung chương trình đào tạo để làm gì và có ý nghĩa như thế nào trong việc xây dựng một hệ thống khối kiến thức tổng quan hoàn chỉnh cho sinh viên. Từ đó, nhiều bạn không thể xây dựng được kế hoạch học tập một cách cụ thể và có tính khoa học cao. Thực tế cho thấy, cứ đến giai đoạn đăng ký môn học, nhiều sinh viên chỉ biết đăng ký theo kiểu "bạn bè rủ nhau", dẫn đến trường hợp hệ thống các môn học chưa hoàn toàn phù hợp bản thân, khó có thể học tập đạt kết quả tốt.
Sự hiểu biết của sinh viên về phong trào nghiên cứu khoa học trong trường chưa đủ cả về chất và lượng. Chưa có một kênh thông tin nào thường xuyên và mạnh mẽ đưa những nội dung về vấn đề này đến sinh viên, vì thế các bạn sinh viên hầu hết hoặc là coi nghiên cứu khoa học là khá xa vời, chỉ dành cho những sinh viên xuất sắc, không phải là mình. Bên cạnh đó, cũng chưa có những cơ chế thu hút sinh viên tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học. Có không ít bạn trẻ chưa hiểu rõ nghiên cứu khoa học là như thế nào, không biết bắt đầu từ đâu hay nghiên cứu những gì.
Ðể tháo gỡ những khó khăn trong quá trình nghiên cứu khoa học của sinh viên, Hội Sinh viên các nhà trường cần tổ chức nhiều cuộc thi, sân chơi trí tuệ nhằm thu hút sinh viên tham gia, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm, kiến thức. Thành lập và duy trì hiệu quả các câu lạc bộ học thuật dành cho sinh viên, phối hợp Ðoàn Thanh niên, các phòng ban chức năng phát huy vai trò của giảng viên trẻ trong việc hướng dẫn sinh viên tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học.
Tăng cường tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm trao đổi nhằm giới thiệu, trang bị cho sinh viên những phương pháp học tập hiện đại, xây dựng mục tiêu thái độ học tập, nghiên cứu đúng đắn; kết hợp với việc giao lưu giữa sinh viên với những người thành công trong học tập, nghiên cứu khoa học, từ đó thắp sáng ước mơ, hoài bão trong sinh viên. Cần tìm hiểu nguyện vọng của sinh viên trong từng khóa để tập hợp những vướng mắc và cùng giải quyết. Muốn làm tốt công tác này, các cán bộ Hội phải đi sâu, nắm rõ được tình hình học tập của từng cá nhân trong chi hội và thường xuyên phản ánh với các cấp.
Hội Sinh viên các cấp cần có những hoạt động thúc đẩy tuyên truyền, đưa các thông tin về nghiên cứu khoa học đến gần hơn với sinh viên hơn nữa, làm cho mỗi sinh viên đều tự ý thức được tầm quan trọng của hoạt động nghiên cứu khoa học và nghiên cứu khoa học không phải là một hoạt động xa vời mà rất thiết thực với bản thân sinh viên. Hội Sinh viên cần là cầu nối thật sự giữa sinh viên và nhà trường, các doanh nghiệp, trung tâm nghiên cứu. Ðây là một kênh thông tin chính thức, có thể bảo đảm tính chính xác trong thông tin giữa các bên. Từ đó phần nào nâng cao chất lượng và tính ứng dụng của các đề tài nghiên cứu khoa học trong sinh viên.
Bản thân mỗi sinh viên cần tích cực, chủ động hơn nữa trong việc lên kế hoạch học tập và nghiên cứu, xác định mục tiêu rõ ràng, tìm hiểu và lựa chọn cho mình một phương pháp học tập, nghiên cứu hiệu quả, phù hợp. Nâng cao khả năng tự học, ngoài thời gian nghe giảng trên lớp thì sinh viên cần tăng cường việc tự học, tự nghiên cứu ở nhà, ở thư viện để mở rộng và đào sâu tri thức, trong đó kỹ năng tự đọc tài liệu rất quan trọng. Tăng cường thảo luận với việc sinh viên phải là tích cực trình bày quan điểm và tranh luận.
Một vấn đề rất quan trọng khác là cần nâng cao hiệu quả đầu ra của công tác nghiên cứu bằng việc lựa chọn những đề tài nghiên cứu có tính thực tiễn cao. Thường xuyên tham gia giao lưu, chia sẻ ý kiến về các phương pháp, cách làm hay tại các diễn đàn do Ðoàn Thanh niên, Hội Sinh viên tổ chức.
Kết quả hoạt động sinh viên nghiên cứu khoa học (NCKH) của nhà trường trong thời gian qua chưa đáp ứng được kỳ vọng và chưa phát huy được tiềm năng của sinh viên. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này đã được chính các bạn sinh viên nhận định: Bản thân mỗi sinh viên còn thụ động, thiếu say mê, thiếu quyết tâm đối với NCKH. Trong khi đó, cơ sở vật chất, điều kiện để hỗ trợ sinh viên tham gia NCKH luôn được nhà trường quan tâm. Ðể khắc phục hạn chế này, cần đẩy mạnh hơn nữa sự phối hợp giữa các khoa, các phòng chức năng và Ðoàn Thanh niên, Hội Sinh viên nhà trường, trong đó, chú trọng việc tạo cơ chế động viên, khuyến khích sinh viên tích cực, chủ động tham gia NCKH.
Thạc sĩ CAO BÁ CƯỜNG, Bí thư Ðoàn Trường đại học Sư phạm Hà Nội 2
|
Trong những năm gần đây, hoạt động NCKH trong sinh viên đang ngày càng phát triển với số lượng các đề tài ngày càng nhiều. Nhưng tỷ lệ sinh viên quan tâm đến NCKH còn thấp, nhiều sinh viên mặc dù đã tham gia NCKH nhưng còn thụ động; nhiều đề tài nghiên cứu có chất lượng không cao, không áp dụng được trong thực tiễn. Việc NCKH trong sinh viên đang được xem như là một hoạt động phong trào. Chưa có nhiều sinh viên thật sự say mê với hoạt động NCKH - vốn được coi là một trong những hoạt động chủ chốt của đào tạo đại học.
TRẦN NHẬT TIẾN sinh viên Trường đại học Y Dược (Ðại học Huế)
|
Ðể đẩy mạnh phong trào NCKH trong sinh viên cần thực hiện một số giải pháp cụ thể, thiết thực để giúp các bạn sinh viên cảm thấy mình không bị lạc lõng cũng như để các bạn yên tâm tham gia nghiên cứu. Ðáng chú ý: Các khoa cần chủ động tham mưu với cấp ủy, Ban Giám hiệu nhà trường hỗ trợ, tạo điều kiện cho sinh viên phát huy khả năng sáng tạo của mình bằng các hình thức: hỗ trợ kinh phí thực hiện đề tài, đăng ký bản quyền đề tài, liên hệ với các đơn vị để giới thiệu các đề tài nghiên cứu khoa học mang tính ứng dụng thực tế cao...
TRẦN TIẾN, Chủ tịch Hội Sinh viên Trường đại học Lạc Hồng (Ðồng Nai)
|