• 6 cách để “lên dây cót” tinh thần trong thời điểm đầu năm học

    6 cách để “lên dây cót” tinh thần trong thời điểm đầu năm học

  • Mấy lời khuyên sinh viên y khoa

    Mấy lời khuyên sinh viên y khoa

  • Đôi dòng về chuyên ngành y khoa (của một sinh viên y đang trước ngưỡng chọn chuyên ngành)

    Đôi dòng về chuyên ngành y khoa (của một sinh viên y đang trước ngưỡng chọn chuyên ngành)

  • Những sinh viên Việt có tiếng tại Harvard

    Những sinh viên Việt có tiếng tại Harvard

  •  Trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo

    Trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo

Bộ sưu tập
239368
  • Tài liệu số: 2071
  • Tổng lượt truy cập: 239368
  • Hôm nay: 3
  • Hôm qua: 5
  • Tuần này: 32
  • Tuần trước: 148
  • Tháng này: 390
  • Tháng trước: 1168

Lịch phục vụ

Tin Trung tâm TTTV

Tên quyển sách ấy là gì?

TTCT - “Quyển đó thuộc thể loại lãng mạn, nhân vật nam thích uống cà phê. Cái kết bất ngờ lắm. Tôi đọc hồi cuối cấp II, quãng giữa thập niên 1980”. Những mô tả mơ hồ thế này, hay thậm chí “cuốn đó bìa đỏ, có 2 nhân vật và 1 con chó”, không lạ gì với giới quản thủ thư viện. Họ phải dựa vào đó và tìm cho được tên sách. Đó là những cuộc săn tìm tựa sách đầy thách thức, nhưng các thủ thư luôn cố hết sức để người đọc không phải thất vọng.

 
 Ảnh: iStock

Tuyển tập sách bị nhớ nhầm tên

Các thủ thư tại Thư viện thành phố Fukui (thủ phủ tỉnh Fukui, Nhật Bản) nhận được những yêu cầu tìm sách đầy đánh đố như vậy nhiều đến mức họ bắt đầu ghi chép lại và đăng tải chúng (cùng với tên sách chính xác) trên website từ năm 2007. Tháng 10-2021, thư viện lọc ra 90 trường hợp “phá án” thành công đối với yêu cầu từ người đọc nhớ nhầm tên sách và cho in thành tuyển tập.

Một ví dụ trong quyển sách này là một độc giả mô tả “có 3 màu… vàng, trắng rồi xanh hay cái gì đó nữa” để nói tới quyển I'm Yellow, White and a Little Blue (tạm dịch: Tôi vàng, trắng và một chút xanh) của tác giả Mikako Brady; và “con mèo chết (died) một triệu lần” khi muốn nhớ quyển The Cat that Lived a Million Times (đã xuất bản tại Việt Nam với tựa Con mèo triệu kiếp).

Những nỗ lực mô tả của độc giả dù rất buồn cười nhưng các cán bộ thư viện luôn nghiêm túc đón nhận và hết lòng tìm giúp, nhất là khi họ có sẵn hệ thống tra cứu dữ liệu dành riêng cho việc này. Việc xuất bản quyển sách là để “mọi người biết thêm về công tác thư viện và các dịch vụ tra cứu” - thủ thư Kumi Ito nói với báo The Mainichi.

Nhưng cụ thể các thủ thư đã làm điều đó như thế nào, khi người đọc quên hoàn toàn tên sách hoặc nhớ… trật lất? Theo Kumi Ito, bất kỳ từ khóa nào người dùng cố nhớ được cũng là manh mối giá trị. “Có công cụ để chúng tôi tra cứu theo chủ đề… Nếu độc giả nhớ được đã đọc khi nào, chúng tôi có thể thu hẹp phạm vi tìm kiếm thông qua thời điểm xuất bản” - cô nói.

Ito cho rằng các ca khó nhất là khi người lớn muốn tìm quyển sách đã đọc lúc bé. Ngoài các manh mối rõ ràng như “có trong sách giáo khoa”, đôi khi một tựa sách có thể được tìm thấy nhờ các chi tiết có vẻ không liên quan như “tôi đọc lúc món hàng/kiểu thời trang này đang là mốt”. “Chúng tôi cố tìm manh mối bằng cách trao đổi - Ito nói về “công việc thám tử” của các thủ thư.

Ngày nay ai cũng có thể tự vào Google để tìm tên sách dựa trên nội dung hay vài chi tiết nhớ được, song biển thông tin trên mạng là một đáy bể quá lớn để mò kim so với các danh mục tra cứu, cơ sở dữ liệu chuyên biệt của thư viện. “[Ở đây] chúng tôi từ lâu đã dùng các công cụ (không thông qua Internet) và chúng tôi biết là có thể giúp tìm ra thứ mình cần” - Ito khẳng định.

 

 “Sách có từ băng trong tựa”. Minh họa trích từ quyển A Library of Misremembered Books (Thư viện của những quyển sách nhớ nhầm tên) xuất bản năm 2021 của tác giả Marina Luz.
 

NYPL gợi ý người đọc có thể tìm sự trợ giúp từ một số cộng đồng trên mạng, chẳng hạn các nhóm trên mạng xã hội đọc sách Goodreads. Một nhóm có tên What's the Name of That Book??? (Tên quyển sách đó là gì) hoạt động sôi nổi với hàng chục ngàn bài viết và bình luận. Một “bí ẩn” đã được giải: “Thể loại phi hư cấu. Một phụ nữ Anh đi khắp Mỹ bằng tàu lửa, hút thuốc rất nhiều. Trả lời: Stranger on a Train của Jenny Diski”. Một yêu cầu mới chưa ai tìm ra (tính tới 18-4): “Sách trẻ em. Có ếch. Bìa có nền trắng, và có hình một cô gái với bím tóc nâu và đeo kính. Cô gái không phải vai chính…”.

Một địa chỉ khác: Stump the Bookseller, dịch vụ “kết nối mọi người với những quyển sách họ thích nhưng không tài nào nhớ ra” của hiệu sách Loganberry Books ở Ohio (Mỹ). Theo thông báo tháng 3-2022 trên web, dịch vụ này có tỉ lệ thàng công gần 50% nhờ sự “vào cuộc” của các “ảo thuật gia giải đố” là nhà sưu tập sách, nhân viên thư viện, người đọc, phụ huynh… khắp thế giới (dĩ nhiên mô tả càng rõ thì tỉ lệ tìm được càng cao). Dịch vụ thu phí “tượng trưng” (4 đôla) vì đây là công việc là vì đam mê!

Ngoài ra còn có diễn đàn phụ whatsthatbook trên Reddit với 180 ngàn thành viên, hay Name That Book, diễn đàn trực tuyến với trên 3.000 thành viên là thủ thư hay ngành nghề liên quan đến thư viện, sẵn sàng giải mã bí ẩn tựa sách, hoặc Big Book Search (bigbooksearch.com), công cụ tìm sách theo bìa. 

Biệt đội truy tìm tựa sách

Các đồng nghiệp của Kumi Ito ở Thư viện công cộng New York (NYPL) cũng thường xuyên nhận được yêu cầu truy tìm tựa sách như vậy. Mỗi ngày cứ đến chỗ làm là Gwen Glazer, thủ thư phụ trách dịch vụ bạn đọc, lại thấy có sẵn 10 yêu cầu tìm sách mới được gửi tới. Trang web của NYPL từ năm 2012 đã đăng bài “Tôi nhớ nó có bìa xanh… Tìm sách bằng nội dung”, bày cho người đọc 1 số cách tự tra cứu. Năm 2017, Glazer viết một bài nối tiếp, đặt tên là “Tìm sách khi quên mất tựa”; bài viết này nhận được hàng ngàn bình luận từ khắp nơi đổ về, mô tả sự đau khổ của những người cố tìm tựa sách xưa dù chẳng nhớ gì nhiều.

Glazer không muốn phụ lòng bạn đọc gần xa. Năm 2018, cô tập hợp các thủ thư ưu tú nhất từ các chi nhánh khác nhau thuộc hệ thống NYPL, lập ra một “đội giải mã”, cố gắng tìm cho ra càng nhiều “tựa sách nhớ nhớ quên quên” càng tốt. Atlas Obscura mô tả một buổi “tác chiến” của đội này như sau: 20 thủ thư tập trung tại phòng máy tính của trụ sở chính, với một cái bảng trắng, một bút dạ, nhiều màn hình và một cái chuông chiến thắng - cứ giải được một bí ẩn tựa sách thì lại ấn vào để ăn mừng.

Các thủ thư (1 người tham gia từ xa) được phát 1 danh sách các yêu cầu xếp theo thứ tự thời gian và chia nhau giải theo hai hướng (cũ nhất trước và ngược lại). Người đọc muốn tìm đủ thể loại sách và đưa ra những chi tiết kiểu “hình như nội dung là” về một con rồng nhận một cô gái trẻ làm trợ tá; về một cậu trai tên Wurm suốt ngày ở ký túc xá lập trình; hay về một tình yêu sai trái rồi hôn nhân bất hạnh có bối cảnh 1900.

Trường hợp đầu tiên được giải chỉ sau vài phút, nhờ người thủ thư tham gia từ xa đã nhận ra cốt truyện của quyển Behold the Dreamers (Imbolo Mbue, 2017). Căn phòng ngập tiếng vỗ tay và tiếng rung chuông chiến thắng cuồng nhiệt. Một dấu đếm được gạch lên bảng. Mọi người trở lại làm việc. Một người thì thầm “Có nhiều sách trinh thám về án mạng liên quan gia đình giàu có lắm” khi rà tay dọc một danh sách, người khác lại lẩm bẩm “Sát thủ hàng loạt à…”. Rồi căn phòng lại trở nên im lặng, cho đến khi tiếng chuông chiến thắng tiếp theo vang lên.

Glazer và đồng nghiệp tra cứu dựa vào các tên riêng, địa danh, từ khóa và nhiều manh mối khác. Có một cơ sở dữ liệu để tra theo từ khóa trên bìa sách, nhưng cũng không hữu ích lắm vì bìa thường thay đổi theo từng ấn bản. Chưa kể trí nhớ của người đọc không phải lúc nào cũng đáng tin cậy. “Bạn phải biết có ít nhất một chi tiết mà người hỏi dù đoan chắc nhưng thật ra không đúng” - Stephanie Anderson, phó giám đốc phụ trách chọn và sắp xếp sách, nói với Atlas Obscura.

Trong buổi “tác chiến” hôm đó, Glazer nhận nhiệm vụ tìm quyển sách có “Wurm” (đây là tên nhân vật chính theo lời quả quyết của người nhờ giúp đỡ). Glazer tra trong cơ sở dữ liệu nội bộ, thay đổi từ khóa và lựa chọn tìm kiếm nhiều lẫn vẫn không thấy gì, cuối cùng lên Internet và tìm được 1 bài viết trên Reddit. Đó là quyển The Gadget Factor (Sandy Landsman, 1985), thuộc thể loại tiểu thuyết thanh thiếu niên. Và nhân vật chính tên Richard, biệt danh là Worm chứ không phải Wurm. “[Có những thử thách thế này] thì thủ thư mới đúng gọi là thủ thư” - cô nói.

Suốt buổi chiều hôm đó, các thủ thư NYPL truy được 48 tựa sách nhưng chính họ cũng không chắc có phải là đúng ý người đọc hay chưa. Giám đốc dịch vụ bạn đọc Lynn Lobash cho rằng độ chính xác vào khoảng 85%, và hi vọng điều đó cũng đủ để “giúp ai đó gặp lại quyển sách quên lãng từ lâu mà họ đang chờ được gặp lại”.■

Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM những năm gần đây mở dịch vụ tìm kiếm tài liệu cho bạn đọc về bất kỳ một vấn đề cụ thể nào. Nếu đang nghiên cứu một đề tài nhưng chưa biết bắt đầu thu nhặt tài liệu từ đâu, bạn chỉ cần ra “đầu bài”, ví dụ phong trào duy tân của cụ Phan Chu Trinh, nhân viên thư viện sẽ tổng hợp thông tin từ các nguồn sách, báo và đề xuất những tư liệu phù hợp với đề tài của bạn. “Những lúc đó, thủ thư không khác gì một người đang làm nghiên cứu, họ phải lướt qua nội dung của các ấn phẩm sách, báo hay các nguồn số liệu, tổng hợp thành danh sách các tài liệu liên quan cho bạn đọc” - chị Ngọc Thư, thủ thư tại thư viện, nói.

Theo chị Ngọc Thư, điều cần nhất ở một người thủ thư là khả năng giao tiếp, óc quan sát và biết nhận ra bạn đọc đang cần giúp đỡ và đến hỗ trợ trước khi họ lên tiếng. “Niềm vui của tôi đôi khi chỉ là một câu cảm ơn của bạn đọc ‘nhờ chị mà em tìm được sách này’. Dù không có gì lớn lao nhưng tôi cảm thấy mình đã làm được một điều có ích” - chị Thư nói.

TRỌNG NHÂN

Nguồn tin: https://tuoitre.vn/ten-quyen-sach-ay-la-gi-1641733.htm